GoToJapan xin được chia sẻ bài viết của chị Nguyễn Thị Minh Hải – Giám đốc Trung tâm GoToJapan – cũng chính là người trực tiếp hỗ trợ apply học bổng du học Nhật và định hướng tương lai cho hàng trăm bạn trẻ Việt Nam. Các bạn hãy dành thời gian để đọc nhé, mình tin rằng nó sẽ giúp ích cho các bạn:
… “Mình vừa phải mắng bạn học sinh nam 22 tuổi một trận.
Vừa mắng vừa muốn rơi nước mắt
22 tuổi, học Đại học không tốt nghiệp được vì lười rồi giờ phải đi du học để làm lại; ấy vậy mà hỏi thì kêu em chỉ tự học ở nhà có 1 tiếng, vậy cho nên hỏi tới cái gì cũng lơ mơ.
Mình bảo bạn ấy: Em 22 tuổi rồi, là tuổi đáng ra em phải tự lo cho mình và lo được cả cho bố mẹ em rồi có biết không? Chứ không phải tới tuổi này rồi, vẫn phải để bố mẹ lo cho ăn học còn mình thì mang tiền đó quẳng cho người ta, rồi ngồi đó để ăn chơi. Em có biết em đi học có một buổi trên lớp còn thấy mệt thì bố mẹ em đi làm, rồi về nhà chăm sóc bọn em, lo lắng cho bọn em còn mệt như thế nào không?
Em có muốn nói chuyện với người em không thích không? Không đúng không? Nhưng bố mẹ em đi làm, có không thích vẫn phải nói, vì đó là công việc, vì không làm thế thì không có tiền nuôi em, lo cho em được một đống tiền để đi du học như thế này. Vậy mà em không nghĩ cho bố mẹ em, chỉ lo nghĩ tới thú vui của mình. Em chơi game, em đàn đúm bạn bè online offline, em có biết là em sướng một tẹo, bạn em sướng vì có em chơi cùng, nhưng rồi bạn bè em có nuôi em không? Bạn bè em có lo cho bố mẹ em không? Em định để bố mẹ em phải lo lắng và nuôi em tới khi nào? Và định cả sau này lấy vợ về, vợ sẽ nuôi em phải không?
Nếu em không có khả năng học hành, nhưng em chăm chỉ lao động, kể cả nhặt rác, thì người ta cũng tôn trọng em, sau này con em nó cũng tôn trọng và thương em. Nhưng nếu em có khả năng mà em lười, người ta sẽ khinh thường em, và chính con em nó cũng coi thường em. Mà cái thất bại lớn nhất của một thằng đàn ông đó là không được chính người con của mình tôn trọng mình.
Em đi học, em có ghét người ngày người kia, thích người này người kia để rồi nó ảnh hưởng tới việc học của em, tới sự nghiệp của em, thì chính em và 2 người thân nhất của em đó là bố mẹ em sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. Chả thầy cô nào, trường lớp nào, bạn bè nào bị thiệt thòi vì em không học, vì đời em khổ cả. Nên thầy cô hay trường học, bạn bè có nhắc em cũng là vì muốn tốt cho em. Người ngoài vậy người ta còn muốn em tốt, vậy tại sao tự bản thân em em không biết nghĩ cho em, không biết nghĩ cho bố mẹ em? Chị là người ngoài chị còn cảm thấy xót xa khi nhìn em, một cậu con trai 22 tuổi to khoẻ ntn nhưng lại vô cùng lười, chả lo lắng gì tới tương lai của mình ntn, vậy thì bố mẹ em sẽ còn lo lắng, xót xa như thế nào? Bố mẹ sinh em ra có thể không phải vì nguyện vọng của em, nhưng bố mẹ nuôi dạy em cũng chỉ mong em có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình, tự lo được cho mình, vậy mà giờ 22 tuổi, em còn lười biếng và không biết suy nghĩ ntn thì bố mẹ em sẽ lo lắng cho em ntn? Em không cảm thấy gì sao?
Sẽ là rất khó để có thể thay đổi em nếu em không biết mục đích sống của mình là gì, không có kế hoạch một cách rõ ràng cho tương lai của mình. Thời gian trôi qua rất nhanh. Để lập nghiệp, người ta cần 3 năm, 5 năm. Để thành công cần tới 10 năm cố gắng. Vậy làm sai một cái là lại mất thêm quãng thời gian đó rồi. Là em đã 30, 40 rồi. Lúc đó ai còn nuôi em, nuôi vợ con em được nếu không phải là em? Cho nên đừng có nghĩ là em còn trẻ, còn có nhiều thời gian. Hãy về suy nghĩ cho thật kỹ xem mình có phù hợp với việc học không? Nếu không, hãy nghĩ xem mình sẽ làm cái gì. Kể cả có làm anh quét rác cũng phải có kế hoạch, phải tìm hiểu xem mình cần liên hệ ai để xin việc, cần phải có kiến thức để bảo vệ mình khỏi sự độc hại, phải có sự tìm hiểu để biết rác nào bán được mà còn kiếm thêm ít tiền,… Vậy cho nên hãy xác định mục tiêu thật rõ và có kế hoạch thật cụ thể. Đừng để mình không ngẩng đầu lên được với chính bản thân mình.”